Monday, August 4, 2014

Bài dẫn chương trình Vu Lan

Bài dẫn chương trình Vu Lan Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa quý ông bà, cô bác đạo hữu, quý anh chị huynh trưởng cùng các em đoàn sinh. 1. Thu đến - đúng với quy luật của đất trời vốn luân hồi thường chuyển. Màu xanh đã tươi non trở lại trên những tầng lá, cánh đồng bắt đầu vàng rộ đón đợi một mùa gặt tới… Tất cả những màu sắc ấy hoà thành một màu lam của bầu trời - của lòng người. Tháng bảy với nhân gian là mùa đoàn tụ "Ngưu Lang - Chức Nữ". Tháng bảy với con người Quảng Trị là mùa "cò về". Còn với những người con Phật, tháng bảy là mùa báo hiếu. Nhân dịp này, GĐPT Phúc Lộc tổ chức Chương trình Đêm thơ nhạc mừng Vu lan, với những âm thanh sâu lắng mà chân thành, chúng con xin niệm ân, tri ân và báo ân tổ tiên, cha mẹ. 2. Trước khi đi vào chương trình, xin mời quý ông bà, cô bác đạo hữu, quý anh chị huynh trưởng cùng các em đoàn sinh khởi thân trang nghiêm đứng dậy cử hành lễ Phật cầu gia bị. Lễ Phật cầu gia bị, niệm danh hiệu Đức Bổn Sư (3 lần) và danh hiệu Đức Mục Kiền Liên (3 lần). Xin kính mời bác đạo hữu đại diện niệm Phật đường khởi xướng niệm. - Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần) Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. (3 lần Phần Lễ Phật cầu gia bị đã xong, xin mời quý ông bà, cô bác, quý anh chị cùng các em an tọa. 3. Về dự lễ Bông hồng cài áo hôm nay, xin trân trọng giới thiệu và chào mừng Bác ..... - đại diện Niệm Phật Đường . - Xin trân trọng giới thiệu bác:.... - trưởng ban Hộ tự NPĐ. - Trân trọng giới thiệu bác:... - trưởng ban Bảo trợ GĐPT. Về dự với chương trình Bông hồng cài áo còn có quý đạo hữu trong Niệm Phật đường, quý bà con cô bác và toàn thể ban huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT. 4. Kính thưa quý ông bà, cô bác thưa quý anh chị huynh trưởng cùng các em đoàn sinh. Tháng bảy, mùa Vu lan về. Lúa ngoài đồng đã khéo chín thoảng đưa mùi sữa thơm ta lại nhớ đến những ngày thơ dại được ấp ủ trong vòng tay mẹ và tận hưởng dòng sữa ngọt lành để mỗi ngày khôn lớn. Gió thu về miên man bao kỉ niệm người cha, về cánh quạt mo ngày hè đã ru con vào giấc ngủ. Ai lại chẳng nao lòng khi hoài niệm về thuở ngày xưa. Ở đó có cánh võng và những lời ru ầu ơ, có bát canh rêu ngọt ngào như tình mẹ. Ôi tháng bảy nào có của riêng ai mà sao cứ khư khư giữ kín không nói nên lời. Ca dao Việt Nam có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Công cha nghĩa mẹ cao vời vợi mà sâu ngàn trùng. Chính vì thế mà công ơn cha mẹ là một trong Tứ trọng ân mà đức Phật dạy mọi người phải luôn ghi nhớ và đáp đền Mẹ! Mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ! Mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu. Tiếng đầu đời con cất lên gọi mẹ. Trong suốt cuộc đời này mẹ là người yêu thương con nhất. Dù con có mang lầm lỗi, mẹ vẫn thứ tha. Con dù lớn vẫn là con của mẹ, vẫn luôn cần tình mẹ. Thế mới có câu: “Mẹ già trăm tuổi còn thương con sáu mươi”. Mẹ có nghĩa là bắt đầu, cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc. Mẹ có nghĩa là duy nhất, một bầu trời, một mặt đất, một dòng sông. Cha là bóng mát, là cành xanh, che chở cho con những khi bão gió. Cha là cánh tay vực con trở dậy mỗi khi con vấp ngã. Và cũng chính cánh tay ấy dìu dắt con đi từ thưở chập chững cho đến trọn cuộc đời này. Để rồi, trong mỗi bước chân con đi đều có hình bóng của cha mẹ dõi theo. Mẹ sẽ mỉm cười khi thấy con vui, và cha sẽ hạnh phúc khi thấy con thành đạt. Nhưng, cũng đã nhiều lần lắm rồi con làm cho cha mẹ buồn khóc. Nhưng mẹ không trách con, và cha không giận con. Tình thương vô bờ bến đó cho đến khi cha mẹ không còn nữa thì con mới hiểu ra. Và con lại thèm biết bao một đòn roi của cha, một lời quở dạy của mẹ. Kể cả những điều ấy con cũng quý và trân trọng biết nhường nào. Bởi, đó là tình thương như biển mênh mông như núi cao vời. Con vẫn hằng nghĩ đến những tấm gương hiếu hạnh đã được lưu truyền. Đó là một chú chim Oanh vũ trên núi Tuyết Sơn suốt ngày bay đi kiếm ăn để phụng dưỡng cha mẹ mù. Lại có chuyện ông Lai Tử ở nước Sở, dù đã bảy mươi tuổi còn phụng dưỡng cha mẹ già. Vì muốn làm cho cha mẹ vui, ông Lai Tử đã nhảy nhót, rồi lăn ra sân làm trò hề, giả vờ khóc nhè để cha mẹ nở nụ cười. Điển tích này được cụ Nguyễn Du ghi lại trong Truyện Kiều bằng hai câu thơ: “Sân Lai cách mấy nắng mưa/ có khi gốc Tử đã vừa người ôm”. Để nhắc nhủ những ai còn cha mẹ thì hãy phụng dưỡng báo đền Nhớ ngày xưa, mẹ của ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề, vì nghiệp chướng quá nặng nề nên phải đọa địa ngục A-tì. Đức Mục Kiền Liên đã dùng thần thông quán chiếu và xót thương khi thấy mẹ đọa chốn địa ngục đau khổ. Bát cơm Ngài dâng cho mẹ khi vừa đưa tới miệng thì cơm bốc hỏa. Muốn tìm cách giải thoát cho mẹ, Ngài Mục Kiền Liên đã thỉnh nguyện Đức Phật và được Ngài dạy rằng: “Nghiệp chướng của mẹ ông đã quá nặng. Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Nghe lời Phật dạy, ngài Mục Kiền Liên đã thỉnh cầu 500 vị tăng chúng khắp nơi cùng hiệp lực hội pháp. Tấm lòng thiếu thảo của Mục Kiền Liên khiến đất trời cảm động và mẹ ngài thoát khỏi cảnh khổ địa lao. Muôn loài cũng lấy đó làm tấm gương để tôn thờ cha mẹ. Ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích ấy. Kể từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã hòa hợp trong nền văn hóa dân tộc. Và ngày lễ Vu Lan cũng chính là ngày Rằm xá tội vong nhân. Điều đó càng làm cho ngày Vu Lan thêm tính nhân văn hóa, thể hiện đạo lý và tinh thần yêu thương của người Việt. 5. Kính thưa quý ông bà, cô bác thưa quý anh chị huynh trưởng cùng các em đoàn sinh. Noi theo đức Mục Kiền Liên, không chỉ những người con Phật, mà toàn thể muôn người đều lấy chữ “Hiếu” làm đầu. Bất luận luân lý đạo đức nào, Đông hay Tây, xưa hay nay cũng đều như vậy cả. Một người con đã bất hiếu với cha mẹ, thì không còn việc xấu xa gì mà không làm được. Một kẻ vong ơn bội nghĩa như thế thì không còn biết nhân nghĩa, bác ái, công bằng là gì nữa. Bởi vậy cho nên, người xưa có câu: "Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên", Tức là: Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách, đều lấy Hiếu làm đầu. Kinh Thi có nói một câu rất cảm động: "Phụ hề sanh ngã, mầu hễ cúc ngã, Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao, Dục báo thâm ân, hiệu thiên võng lạc". (Nghĩa là cha sanh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi, cha mẹ sanh ta cực nhọc. Muốn đền đáp ân đức của cha mẹ, như vói lên trời cao chẳng cùng). Đức Phật cũng dạy: "Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế". Nghĩa là cha mẹ còn sinh tiền, cũng như Phật còn ở đời. Xem thế, Phật đã đề cao biết bao sự hiện diện quý trọng của cha mẹ. Một mùa Vu lan nữa lại về, rưng rưng trong lòng biết bao nỗi nhớ thương với những ai thiếu may mắn khi không còn cha mẹ; và cũng hạnh phúc biết bao cho những ai cha mẹ đang hiện tiền. Xin hãy cũng nhau ươm những mầm hiếu hạnh, để hái về những bông hoa ngát hương trong mùa báo ân. 6. Thưa quý bác, quý anh chị cùng các em Năm 1962, khi đang làm nghiên cứu ở nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tùy bút Bông Hồng Cài Áo và gửi về cho đoàn Phật tử Sài Gòn. Rằm tháng bảy năm đó, các Phật tử đã vân tập về chùa Xá Lợi và tổ chức lễ cài hoa lên ngực áo. Lễ hội Bông Hồng Cài Áo ra đời từ đó và phát triển cho đến nay, trở thành một lễ hội ý nghĩa của những người con Phật trong dịp vu lan. Xin mời quý bác, quý anh chị và các em hãy chọn cho mình một cánh hoa phù hợp và đính lên ngực áo. Để rưng rưng vui sướng với hoa hồng cho những ai còn mẹ. Với những ai thiếu may mắn không còn mẹ nữa, thì hãy để hoa trắng trung trinh làm niềm an ủi.

No comments:

Post a Comment