Monday, August 4, 2014

Vu lan mùa báo hiếu

Vu lan mùa báo hiếu Chủ Nhật, ngày 03 tháng 8 năm 2014 Có chắc mùa thu, lá rơi vàng tiếng gọi... ơi mùa thu, ơi ước mơ... Tháng 8 một mùa thu nữa lại về, tháng 8 (cũng là vào dịp tháng 7 âm lịch) là mùa lễ vu Lan – để tất cả những người con đất Việt có dịp báo hiếu với bậc sinh thành. Không biết tự bao giờ, ngày lễ Vu Lan đã trở thành ngày trọng đại không thể thiếu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Nguồn gốc của ngày lễ có người biết, có người chưa biết nhưng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngày này thì ai cũng thấu tỏ, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân, trong ngày lễ vu lan này, nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ. Mỗi con người chúng ta, bất cứ một ai được sinh ra và lớn lên dù có trở thành người như thế nào, làm tới chức vụ gì, giàu sang phú quý ra sao đi chăng nữa cũng không bao giờ được phép quên đi nguồn gốc mà mình đã được sinh ra, cho dù thế nào đi chăng nữa thì đó muôn đời vẫn là quy luật của tạo hóa, là sự kỳ diệu mà không có một giá trị vật chất nào có thế thay thế được đó là cha, mẹ đã sinh ra ta. Ngày lễ Vu Lan cũng là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời, giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Từ giá trị nhân văn truyền thống đó đã tôn vinh ngày lễ Vu Lan trở thành một ngày lễ văn hóa mang đậm tính nhân văn, chứa đựng những giá trị đạo đức của tình người chứ không còn đơn thuần chỉ là một ngày lễ tôn giáo. Xã hội ngày càng phát triển, giá trị vật chất và tinh thần ngày được nâng cao, nhịp sống ngày càng sôi động cũng ít nhiều cuốn đi giá trị văn hóa truyền thống gia đình. Đến lúc mỗi người chúng ta, mỗi gia đình cần phải nhìn nhận để có hành động thiết thực xây dựng văn hóa nhân bản của một gia đình trên cái nôi truyền thống và hiện đại. Người Việt chúng ta dù sống nơi đâu cũng luôn coi trọng văn hóa gia đình vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc, cũng là nền tảng cơ bản xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa gia đình mang nội dung và ý nghĩa rất cao cả. Đó cũng chính là những gì mọi người chúng ta cùng nhau tâm huyết xây dựng một mái nhà ấm cúng, vun đắp xây dựng bằng cả cuộc đời cho mối quan hệ ruột thịt ngày một bền chặt, cao đẹp, thiêng liêng và trường tồn. Mỗi người con Việt chúng ta, dù là bất kỳ ai đang sống ở mọi phương trời nào và đang làm gì vẫn không quên được những câu ca dao tục ngữ ca ngợi công lao to lớn dưỡng dục của hai đấng sinh thành, những người cao cả ấy đã góp phần hun đúc nên một nền văn hóa gia đình bền vững. "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha Tần tảo sớm hôm, mẹ nuôi con khôn lớn Mang cả tấm thân gầy cha che chở cho con Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...” Nền tảng văn hóa gia đình là yếu tố để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Lễ Vu Lan đã tôn vinh được vai trò đạo hiếu trong đời sống gia đình là điều cần thiết đối với giới trẻ ngày nay. Xuất phát từ ý nghĩa đó, ngày nay giá trị nhân bản ngày lễ Vu Lan càng được khẳng định sâu sắc trong đời sống dân tộc, là một ngày lễ mang tính tâm linh quan trọng trong đồng bào phật tử nhưng cũng là ngày hội văn hóa của toàn dân. Đây cũng chính là dịp để những bổn phận làm con trong gia đình bày tỏ tấm lòng của mình đối với hai bậc cao cả. Dù thời gian có trôi đi lặng lẽ, công việc mưu sinh luôn bận rộn nhưng mỗi người con trong gia đình đều luôn dành những lời cầu nguyện chân thành tốt đẹp nhất đến với cha mẹ yêu quý của mình, đấy cũng chính là hình ảnh quen thuộc với mọi người chúng ta cứ mỗi dịp mùa Vu Lan về. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khi mà bên cạnh những yếu tố tiến bộ của xã hội văn minh, khoa học tiên tiến hiện đại đem lại. Vẫn còn đó sự tác động của không ít những giá trị tiêu cực kéo theo sự suy thoái đạo đức của một bộ phận lớp trẻ, do mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập đưa đến, làm cho không ít người vì xoay tròn trong vòng xoáy mưu sinh, danh vọng hay chạy theo lợi ích của đồng tiền mà bỏ quên cha mẹ, phụ tình phụ mẫu thì tinh thần tôn trọng, đề cao đạo hiếu ngày lễ Vu Lan của Phật giáo lại càng trở nên có ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải khẳng định rằng, giá trị đích thực của chữ hiếu không phải được thể hiện trên những hình thức trống rỗng, mâm cao cỗ đầy, khối lượng hàng mã được đốt... Ngược lại, chữ hiếu trong lễ Vu Lan của đạo Phật được thể hiện ở thái độ biết ơn, lòng tri ân thành kính thật sự và bằng chính những hành động thiết thực của thế hệ con cháu đối với bậc sinh thành, dưỡng dục. Có như thế, giá trị chân chính của lễ hội Vu Lan mới có sức lan tỏa, trở thành ngày đạo hiếu của người con Phật tử và toàn dân tộc. Với tất cả ý nghĩa mang tính nhân bản sâu sắc như thế, lễ Vu lan ngày nay thật sự đi vào tâm thức đời sống văn hóa tâm linh con người, có thể xem là một ngày tôn vinh văn hóa truyền thống gia đình Việt. Nó không chỉ kết nối mọi gia đình bà con huyết thống ở một đời trong một gia đình, một họ tộc mà còn thắt chặt với nhau bằng cái tình đồng bào, tình nhân loại thông qua mọi thời gian và mọi không gian. Giá trị lớn nhất của lễ Vu lan là xây dựng được một thái độ sống, một nếp sống giải thoát tất cả các khổ đau hệ lụy; trên hết là hướng tâm đến việc thiết lập hạnh phúc và an lạc trong cuộc sống ở hiện tại. Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới hối hận vì chưa tròn chữ Hiếu.

No comments:

Post a Comment