Monday, August 4, 2014

"Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế". Nghĩa là cha mẹ còn sinh tiền, cũng như Phật còn ở đời. Xem thế, Phật đã đề cao biết bao sự hiện diện quí trọng của cha mẹ. Vì cha mẹ quí trọng như thế, nên Ngài dạy thêm: " Hiếu vi vạn hạnh chi tiên". (Hiếu thảo đứng đầu trong mọi việc). Hay để nói lên công ơn sanh thành, trưởng dưỡng: Thương thay chín chữ cù lao Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình "Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên", (Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách, đều lấy Hiếu làm đầu). Trong kinh văn Đức Phật đã dạy: "Sanh ra đời gặp lúc không có Phật khéo phụng dưỡng Mẹ Cha, chính là phụng thờ và gặp Phật vậy." Bổn phận làm con, mấy ai trong chúng ta đã làm tròn hiếu đạo. Kinh Thi đã có chép: Phụ hề sanh ngạ, mẩu hề cúc ngã Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao Dục báo thân ân, hiệu thiên võng cực. Đối với người con hiếu hạnh, khởi tâm thành báo đáp ân Cha nghĩa Mẹ, sớm hôm hầu cận, quạt nồng ấm lạnh, cơm nước thuốc thang…chỉ là đền đáp công ơn trong muôn một, các vị Cổ Đức ngày xưa, vì muốn cho Cha Mẹ được vui lòng, không quản ngại bất cứ việc gì. Nhớ xưa ông lão Lai tuổi ngoài 60, làm quan lớn trong triều đình, nhưng khi về nhà ông thường mặc những màu áo sặc sở, rồi nhảy múa giống như trẻ con, làm cho Cha Mẹ được vui cười. Ngày nay chúng ta có làm cho Cha Mẹ được toại ý vui lòng, mỗi khi người mong muốn một điều gì hay không? Hay một khi Cha Mẹ già yếu, chúng ta mau thu xếp đưa Cha Mẹ vào dưỡng lão, trốn tránh trách nhiệm làm con, để Cha Mẹ chết dần mòn trong buồn tuổi cô đơn. Hoặc nuôi Cha Mẹ để lo việc cơm nước, quét dọn trong nhà, chẳng khác nào kẻ ăn người ở. Xem Cha Mẹ như một gánh nặng trong gia đình. Thật đúng với câu: Cha Mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi Chạ Mẹ, tính tháng tính ngày. Chúng ta đừng để một khi Cha Mẹ mất đi, rồi hối tiếc gì để không làm tròn hiếu đạo, thì đã muộn màng, tích xưa thầy Tử Lộ lúc thiếu thời, tuy trong cảnh bần hàn nhưng là người con chí hiếu, hằng ngày đội gạo về nuôi Cha Mẹ, đến khi làm quan, vinh hoa phú quý, muốn được phụng dưỡng Cha Mẹ, nhưng ôi thôi Cha Mẹ đã còn đâu, đã cất tiếng than rằng: Mộc dục tịnh nhi phong bất đình Tử dục dưỡng nhi thân bất tại Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng Con muốn báo đáp thâm ân, thì Cha Mẹ còn đâu Huống chi chúng ta, nên lúc Cha Mẹ còn sinh tiền mà bất hiếu, bất dưỡng, đến khi người khuất thế thì lương tâm lầm lỗi đến mức nào cùng. Đối với người con Phật đã ân cần dạy bảo phận làm con phải tròn hiếu đạo, không những chỉ phụng dưỡng chăm sóc Cha Mẹ về mặt vật chất, mà còn phải khéo khuyên Cha Mẹ hướng thiện, làm lành lánh dữ và tu niệm theo lời Phật dạy, ngõ hầu Cha Mẹ có được một cuộc sống tinh thần an lạc trong hiện tại, và giải thoát sinh tử trong vị lai. Khi Cha Mẹ qua đời phải hết lòng thành kính y kinh Phật dạy, tác Pháp Vu Lan bồn, kiến tạo phước điền bố thí cúng dường v.v…nương nhờ Phật lực gia hộ và sức chú nguyện của thanh tịnh Tăng để Cha Mẹ có thể trưởng thừa công đức mà vãng sanh về Tịnh Độ hay cảnh giới lành. Kết Luận Chúng ta đã rõ biết hiệu quả tốt đẹp của lễ Vu Lan. Vậy chúng ta nên noi theo gương của Ngài Ðại hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu, thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được thoát khổ ngạ quỷ u đồ, và hưởng vui giải thoát. Chuyện "Mục Liên, Thanh Ðề" không có gì là hoang đường, huyền bí, mà là một hiện tượng có thể giải thích được. Ðó là do lòng hiếu thảo chí thành của người con và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng hạ, thúc liễm tu hành của chư Tăng, thành tâm chú nguyện, nên có sức mạnh cảm thông và kích thích đên tâm hồn người đau khổ, làm cho họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này, mà họ thoát khỏi sự hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong kinh có nói: "Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp". Kìa, như nhà thôi miên học, chỉ tập trung tư tưởng mà còn có thể xoay chuyển sự vật được , huống chi sự chú nguyện của chư Tăng, là kết tinh của bao nhiêu phước đức trí huệ, thanh tịnh, lại không thông cảm đến người ở chốn tội khổ hay sao? Nghiệp lực sâu thẳm vô biên, thì tự lực và nguyện lực cũng dõng mãnh vô lượng, có thể chuyển được tâm người tạo nghiệp, đập vỡ được lao ngục xiềng xích khổ hình ở chốn u đồ. Pháp Vu Lan nầy chính là phương pháp thần diệu để cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: báo hiếu không phải chỉ đợi khi cha mẹ đã khuất bóng và mỗi năm chỉ một lần cử hành lễ Vu Lan là đủ. Người con chí hiếu, bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi về cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Như thế mới khỏi hối hận và than thở như Thầy Tử Lộ: "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình ! Tử dục dưỡng nhi thân bất tại". (Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng ! Con nuôi dưỡng báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn sống).

No comments:

Post a Comment